Làm sao để tự tin hoà nhập một cách thoải mái khi bước vào một môi trường mới?
Bạn là người mới đi làm và còn hơi ngại khi phải giao tiếp với những người xung quanh. Bạn cảm thấy bị lạc lõng ở nơi làm việc, trong khi mọi người lại giao tiếp với nhau rất vui vẻ, hòa đồng.
Vậy làm sao để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc? Đó sẽ là chủ đề mà anh sẽ chia sẻ trong bài viết này.
Tác giả: Huỳnh Duy Khương
1. Hãy làm quen với công việc trước khi làm quen với con người
Khi bạn vừa mới đi làm, vẫn còn chưa quen được với môi trường làm việc mới, chưa kết nối được với người khác, thì lời khuyên của anh dành cho bạn là đừng cố ép bản thân phải hòa nhập, kết nối, nói chuyện với người khác.
Chúng ta rất khác nhau, nên đừng cố ép mình phải bắt chước một ai đó.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc đi làm là hoàn thành công việc và nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình làm việc thì chúng ta sẽ tương tác với nhiều người xung quanh để bổ trợ thêm cho mục tiêu chính đó.
Vì vậy bạn làm việc dù theo bất kỳ cách nào, có thể là trao đổi sôi nổi, hay là im lặng tập trung, thì cũng phải hướng tới mục tiêu hoàn thành công việc.
Có 1 nhóm người phải quen biết, nói chuyện, có kết nối tình cảm, thì khi đó công việc phối hợp với nhau mới trơn tru hiệu quả.
Nhưng có một số người, cứ tập trung làm việc trước rồi mới dần làm quen, qua những lần phối hợp với nhau trong công việc.
3 bước để tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc mới mà anh Khuyến nghị cho bạn là:
B1: hãy hiểu thật rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc.
Bạn cần hoàn thành kết quả gì?
Có những nhiệm vụ gì mà bạn được giao?
Bạn có thể sử dụng nguồn lực gì trong công ty?
Có những quy định gì cần tuân thủ?
Lúc bạn tập trung toàn bộ suy nghĩ của mình để biết rõ là đến đây bạn sẽ làm việc như thế nào? Bạn sẽ không còn để ý đến những suy nghĩ nhỏ nhặt xung quanh nữa.
B2: Khi đã hoàn thành bước 1 thì bạn hãy tập trung kết nối với những người có liên quan trực tiếp đến công việc của bạn.
Những bạn chung phòng ban, những bạn ở phòng ban khác mà mình cần phối hợp trực tiếp với nhau.
Kết nối với họ trên vị thế hai ta cùng hoàn thành công việc.
Trong quá trình làm việc cả hai cùng hiểu vai trò, công việc của nhau và xem thử đôi bên có thể hỗ trợ lẫn nhau như thế nào.
B3: Khi đã làm tốt 2 bước trên thì mình có thể mở rộng sự quan tâm của mình ra.
Những bạn ở phòng ban khác họ làm gì vậy ta?
Công việc đó có đóng góp gì cho công ty không ta?
Khi cần mình vẫn có thể nói chuyện, hỏi han thêm về công việc của họ và cứ lấy bối cảnh công việc để mở đầu cho câu chuyện thôi.
Đó là lúc các bạn dần dần mở rộng ảnh hưởng của mình.
Bắt đầu từ điều cốt lõi là mình hiểu rõ giá trị và đóng góp của mình trong công ty đó là gì?
2. Hãy hiểu phong cách làm việc của mình
Bạn sẽ hay áp lực về chuyện phải cởi mở và giao tiếp nhiệt tình với đồng nghiệp. Áp lực việc mình phải nói gì đó, phải làm gì đó để hòa nhập với mọi người.
Đặc biệt là khi những người khác đang vui vẻ nói chuyện, thì mình lại càng cảm thấy áp lực là mình phải nói gì đó
“Sao mình kỳ cục quá vậy, mọi người đang rất vui vẻ và thân thiện kìa. Mình khác người quá, mình phải giống mọi người chứ”.
Nhưng thật ra có bạn nếu vừa nói, vừa làm thì sẽ không tập trung được, dễ bị phân tâm và không thể hoàn thành công việc của mình tốt nhất có thể.
Đó là lúc bạn ảnh hưởng đến yêu cầu cơ bản nhất trong công ty là hoàn thành công việc được giao.
Anh từng nghĩ rằng việc vừa làm, vừa nói chuyện là việc gì đó rất là kì cục, còn những bạn tập trung hết mình làm việc đó mới là chuyện bình thường.
Về sau anh hiểu ra thêm, mỗi người có một phong cách làm việc khác nhau.
Phong cách của anh là làm việc cho xong.
Xong hết những việc mà anh có rồi thì đầu óc anh mới bắt đầu thảnh thơi để kết nối, trò chuyện với mọi người..
Và chuyện đó không có gì kì cục hết vì đó là phong cách của mỗi người.
Cũng có những người vừa làm vừa kết nối, vừa trò chuyện thì họ mới làm việc hiệu quả.
Đó là lý do họ nói chuyện với người này, đùa giỡn với người kia, từ đó thấy thoải mái và lấy năng lượng từ việc kết nối mà làm việc hiệu quả hơn.
Nhưng tựu chung lại dù bạn muốn làm gì thì cũng quay về một nguyên lý cơ bản nhất là bạn có đảm bảo được những việc đã được giao hay không?
Có khi không khí trong môi trường làm việc bị ảnh hưởng bởi người sếp.
Người sếp họ sôi nổi nói chuyện thì mọi người sẽ muốn sôi nổi nói chuyện và nếu người sếp muốn tập trung làm việc thì không khí lúc đó mọi người cũng sẽ tập trung làm việc.
Nhưng thật ra những người làm sếp không muốn ai cũng phải giống họ.
Bạn muốn làm gì họ cũng đều thấy ổn. Miễn là bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hiểu về việc đó để bình tĩnh hơn và tập trung vào giá trị của bản thân ở nơi mình làm việc.
Mình đóng góp càng nhiều, giá trị của mình càng cao và mình càng có sức ảnh hưởng ở nơi mình làm việc.
3. HÃY SUY NGHĨ: “LÀM SAO ĐỂ BẮT CHUYỆN ĐƯỢC VỚI SẾP”
Khi bạn nghĩ ở khía cạnh “ làm sao để bắt chuyện được với sếp” thì bạn sẽ thấy việc vui vẻ, thân thiện, xởi lởi tới nói chuyện, rủ đi uống cà phê,…, là không đủ để có thể kết nối và nói chuyện với sếp.
Nhưng tại sao phải đặt câu hỏi đó?
Tại vì người lãnh đạo sẽ là những người có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, nhiều thứ hay ho để học hỏi nhất.
Thông thường người lãnh đạo cũng sẽ là những người mà nhân viên cảm thấy sợ nhất và không dám tiếp cận.
Nhưng khi được ở gần hơn với những con người đó bạn sẽ giỏi hơn rất là nhiều.
Hãy luôn suy nghĩ làm cách nào để trong công việc bạn có thể ở gần sếp nhiều hơn, để học hỏi và phát triển.
Cách duy nhất và dễ nhất để có thể tiếp cận với những người cấp cao, đó là bạn phải nói chuyện thông qua:
- Những đề xuất trong công việc.
- Những ý tưởng sáng tạo và cải tiến để công việc của mình tốt hơn.
- Thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ của mình thật tốt, để sếp có thể thấy được sự năng lực của mình.
Khi bạn đặt mục tiêu như trên, cách hành xử, suy nghĩ và lo lắng của bạn sẽ hoàn toàn khác.
Đó chính là lý do mà anh cảm thấy rất thoải mái khi thể hiện phong thái làm việc tập trung của mình ngay từ lúc đầu.
Rồi 2-3 năm sau anh trở thành sếp, anh có được kỹ năng của người sếp mà anh từng lấy làm hình mẫu trong công việc.
Bởi vì ngay từ đầu anh đã đặt mục tiêu tìm hiểu, kết nối và chơi được với họ.
Khi mang được nhiều giá trị hơn cho công ty thì mình sẽ được chú ý, để ý và thậm chí là được trò chuyện chung với những người lãnh đạo của công ty bạn đang làm.
Một điều bạn có thể làm nữa đó chính là đặt mục tiêu của mình nhiều hơn.
Thứ nhất là để mang lại nhiều kết quả, nhiều giá trị hơn cho công ty.
Thứ hai là nếu mỗi ngày bạn đặt mục tiêu phải hoàn thành rất nhiều công việc thì bạn sẽ không còn thời gian để để ý đến việc tại sao mình lại không kết nối với mọi người.
Khi đầu óc mình rảnh rỗi, nhàn nhã thì mình sẽ hay suy nghĩ về những việc xung quanh.
Đặt mục tiêu nhiều hơn mình sẽ quyết liệt hơn và không còn lo lắng về những thứ nhỏ nhặt nữa.
Đi làm mục tiêu cuối cùng cũng là, mang lại nhiều giá trị, đóng góp cho công ty và có kết quả thật là nhanh để đi lên, phát triển bản thân nhanh hơn nữa.
Nếu bạn có thể hiểu áp dụng cho chính con đường sự nghiệp của riêng mình thì kết quả cũng sẽ rất tuyệt vời.
Lời kết
Đó là 3 cách cơ bản nhất bạn có thể làm để tự tin hoà nhập khi bước vào một môi trường mới.
Nếu bạn muốn tìm kiếm một môi trường để có thể trui rèn sự tự tin, hãy tham gia Workshop “Bí quyết giao tiếp tự tin, thu hút mà không bị đánh giá” của anh Khương dưới đây để biết câu trả lời nhé.
Bạn sẽ biết được:
- Lầm Tưởng lớn nhất về giao tiếp khiến bạn luôn gặp áp lực và nỗi sợ bị đánh giá từ người khác.
- 3 cách giao tiếp để lời nói của mình có trọng lượng trong đội nhóm, được mọi người tôn trọng và lắng nghe.
- Lộ trình rèn luyện để trở thành một người tự tin, bản lĩnh trong giao tiếp mà ai cũng có có thể học và làm được.