“Em không muốn nói chuyện với những người mình không quen biết.”
Đây là câu chuyện chung của rất nhiều khán giả trên kênh của anh, suốt nhiều năm qua khi anh chia sẻ về vấn đề nỗi sợ giao tiếp.
Anh phát hiện ra rằng có một nỗi sợ “ngầm” luôn hiện hữu ở nhiều bạn đó là việc phải nói chuyện, làm quen hay tạo dựng mối quan hệ, đặc biệt với một người lạ.
Để giải quyết vấn đề, bước đầu tiên anh muốn các bạn hiểu được lí do rõ ràng, từ đó tự mỗi người sẽ tìm được “lối thoát” cho bản thân để bước ra khỏi nỗi sợ đó.
Nỗi sợ giao tiếp mang tên “người lạ”.
Anh nghĩ rằng hầu hết chúng ta từ bé đều hay bị “hù dọa” bởi hai từ người lạ.
“Ăn lẹ đi chú la bây giờ.”
“Chú ăn hết bây giờ.”
“Chú báo công an bây giờ.”
Và nhân vật “chú” ở đây là một người lạ mặt có đủ khả năng khiến bạn cảm thấy sợ và nghe răm rắp theo những lời yêu cầu của người lớn.
Với nỗi sợ đó, bạn hình dung người lạ sẽ là người luôn cản trở những thứ mình mong muốn, là người xấu xa, đáng sợ và có thể đến làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn.
Do đó, việc phải giao tiếp hay bắt chuyện với người lạ trở thành một điều “cấm kỵ” mà bạn không bao giờ muốn nhớ đến.
Điểm danh xem bạn đang mang bao nhiêu nỗi sợ giao tiếp.
Nỗi sợ thứ 1: Không muốn giao tiếp
Lí do đầu tiên bạn sẽ kể đến khi kết nối với người lạ là không muốn giao tiếp. Cơ bản, ngay từ trong suy nghĩ bạn đã không quan tâm đến việc kết nối với người khác. Ngay từ khi còn bé, bạn luôn cảm thấy ổn khi một mình.
Về cơ bản, bạn là một người không quan tâm đến chuyện phải kết nối với người khác. Bạn cảm thấy ổn khi làm mọi thứ một mình ngay từ bé.
Và khi cứ mãi giữ thói quen đó cho đến lớn, bạn phải gặp áp lực của việc phải làm việc với người khác, kết hợp đội nhóm, có mối quan hệ với khách hàng hay báo cáo thuyết trình với sếp.
Đến lúc này bạn mới bắt đầu nhìn thấy khó khăn của mình và loay hoay để làm sao có thể thoát khỏi tính cách đó.
Nỗi sợ thứ 2: Sợ làm phiền người khác.
Khi cần giao tiếp, kết hợp với người khác nhưng trong đầu bạn lúc nào cũng chạy những suy nghĩ kiểu như:
“Mình đến hỏi như vậy làm làm phiền người ta.”
“Người ta đang bận làm mà mình đến nói như vậy chắc người ta không thích đâu.”
“Thôi kỳ quá, thôi kệ luôn đi, không cần hỏi đâu.”
Nhưng có một điều bạn không kịp nhận ra đó là với những vấn đề cần sự kết hợp, bàn luận với nhau nhưng vì “sợ phiền” mà bạn bỏ qua.
Bạn cứ để đó mãi cho đến khi kết quả công việc trả về không tốt vì lí do bạn không dám chia sẻ. Đó mới là lúc làm phiền người khác phải bận tâm, suy nghĩ và xử lý những hậu quả mà bạn mang đến chỉ vì “nỗi sợ” không đáng của mình.
Nỗi sợ thứ 3: Không tự tin vào bản thân.
Tất cả những điều đó tạo nên sự tự ti ở một người, và một khi sự tự tin được hình thành, chúng như một bức tường ngăn cách bạn với việc mở lòng giao tiếp với mọi người xung quanh.
Với một nỗi sợ đó là sợ người khác nhìn thấy khuyết điểm của mình và họ sẽ đánh giá, chỉ trích.
Nỗi sợ thứ 4: Không biết cách nói chuyện.
Đây là lúc bạn là người vượt qua hết những nỗi sợ phía trên nhưng lại bị “kẹt” lại ở bước cuối cùng đó là “Phải nói sao đây?”
Đã có vài lần bước đến nói chuyện nhưng tự cảm thấy mình nói chuyện quá “nhạt”, không biết phải bắt đầu từ đâu và nói những gì để hòa nhập với mọi người.
Nhưng kết quả là dù bạn cứ nói nhưng người ta vẫn không hiểu, vài lần thì đến những phần quan trọng cách diễn giải lại bị “lạc đề”.
Và dần dần những trải nghiệm không tốt này tạo nên sự mất lòng tin về bản thân trong việc phải giao tiếp với người khác đó cũng là lúc nỗi sợ bắt đầu được hình thành.
Ngoài 4 nỗi sợ “tiêu biểu” phía trên, vẫn còn 3 nỗi sợ các bạn thường mắc phải nhưng không mấy bận tâm vì cho rằng chúng quá “thường tình”, để hiểu rõ hơn lí do vì sao các bạn có thể xem chia sẻ của anh trong video dưới đây.
Nếu bạn xem đến đây và thấy bản thân đã và đang gặp hơn 4/7 nỗi sợ, thì phần tiếp theo là dành cho bạn.
3 gợi ý vượt qua nỗi sợ giao tiếp.
Đây sẽ là 3 gợi ý anh mang đến để bạn có thể từng bước “rời xa” nỗi sợ giao tiếp với người lạ của mình ngay lúc này.
1. Bạn cần một môi trường được lắng nghe.
Để có thể thoát khỏi việc sợ giao tiếp, tất nhiên bạn không thể bước đến một nơi toàn người lạ và thực hành.
Nó giống nhưng việc bạn sợ học toán, nhưng đứa bạn kế bên cứ liên tục kêu bạn hãy giải nhiều bài vào đi sẽ hết sợ.
Bạn cần đi từ những bước nhỏ hơn để có sự yên tâm với chính mình trước. Do đó điều bạn cần là một nơi mà ở đó mọi người sẵn sàng lắng nghe bạn chia sẻ dù những lời nói của bạn có chưa thu hút đi chăng nữa.
Khi biết rằng bản thân đang có được sự lắng nghe và trân trọng, bạn sẽ dần có lại được sự tự tin trong việc chia sẻ, không còn thấy việc “nói” là một điều gì đó quá khó khăn nữa.
2. Hiểu rõ về định nghĩa “Làm phiền người khác”.
Như phía trên anh có chia sẻ, các bạn nên thực sự hiểu được về khái niệm này:
“Làm phiền người khác không phải là lúc bạn đến và nói chuyện khi họ chưa sẵn sàng. Mà là khi bạn để lại hậu quả cho họ giải quyết.”
Chỉ cần luôn nhớ được điều này, bạn sẽ quên đi tư tưởng “ngại làm phiền” khi bắt chuyện với ai đó đặc biệt trong mối quan hệ công việc.
3. Cần được hướng dẫn đúng cách.
Anh ví dụ trường hợp nếu bạn là một người không giỏi toán, điều đó không đồng nghĩa bạn không thể học được bộ môn này mà chỉ là bạn chưa được dạy cách học đúng và dễ hiểu nhất dành cho mình.
Nếu tìm ra được nguyên tắc, việc học toán chắc chắn sẽ không còn là trở ngại.
Tương tự với việc giao tiếp, ai cũng có thể nói với bạn là hãy giao tiếp đi, nói chuyện đi, vui tính lên.
Nhưng làm sao để tìm được “công tắc” bật chế độ đó của bản thân bạn lên thì vẫn chưa ai chỉ cho bạn. Và đôi khi bạn phải mất nhiều năm vẫn chưa thể tìm ra chúng.
Lời kết
Giao tiếp cũng giống như một môn học, nó có thể được rèn luyện và phát triển theo từng ngày. Nhưng nếu quá trình trau dồi đó, chỉ là bạn lụm lặt những tips từ nhiều nơi về và rồi đặt vào chính mình thì rất dễ dẫn đến việc chẳng có kết quả nào xuất hiện cả.
Bạn cần thật sự hiểu bản thân và tìm cách tìm ra được “công tắc” riêng của chính mình, vì anh tin bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có một “phiên bản giao tiếp tốt” chỉ là chúng cần thời gian để tìm ra mà thôi.