“Làm sao để mình có thể đi làm và hoàn thành xong nhiệm vụ mình rồi về mà không cần phải xã giao với người khác?”
Bởi vì để trở thành một người nổi bật khi đi học, đi làm thì đòi hỏi chúng ta phải biết cách thể hiện bản thân của mình.
Anh là người hướng nội, và đây là băn khoăn mà anh đã có trong những ngày đầu mới đi làm.
Và anh muốn chia sẻ lại kinh nghiệm của mình khi đã vượt qua được vấn đề này với bạn trẻ với mong muốn giúp bạn bớt chơi vơi, bớt hoang mang như anh ngày đó.
Câu Chuyện 2 Vị Giáo Sư
Câu chuyện kể về 2 người giáo sư:
- Vị giáo sư thứ nhất là người nhiệt tình, hăng hái trong mắt của sinh viên. Bằng chứng là lớp học của ông mỗi lần có tiết dạy đều rất đông sinh viên đăng ký bởi vì tiết học rất vui do ông kể chuyện, đặt câu hỏi, tổ chức trò chơi và kết nối với mọi người.
- Ngược lại, vị giáo sư thứ hai trong mắt của sinh viên là người trầm tính, ít nói, chỉ tập trung làm tốt vai trò của mình. Sau đó, ông trở về ngôi nhà nằm xa trung tâm thành phố và có một cuộc sống yên bình, hầu như không kết nối hay giao lưu nhiều với người khác.
Và có một điều thú vị trong câu chuyện đó là: 2 vị giáo sư này có thật, và đó là cùng một người.
Vị giáo sư này là Brian Little, ông có bài nói rất nổi tiếng trên Ted Talk chia sẻ về câu chuyện này. Nếu muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện, bạn có thể xem tại đây.
Brian là người giáo sư đạt được danh hiệu “3M National Teaching Fellowship” một danh hiệu rất đáng giá trong ngành học thuật (tương đương giải Oscar dành cho ngành điện ảnh), tôn vinh những người thầy dạy giỏi.
Thông điệp mà ông chia sẻ trong bài nói của mình là:
Bạn có thể là người hướng nội trầm tính và ít nói, nhưng để làm tốt công việc của mình thì hãy sẵn sàng học cách để thể hiện bản thân đúng lúc, đúng chỗ. Sau khi hoàn thành tốt trách nhiệm của mình rồi, bạn hoàn toàn có quyền dành thời gian cho bản thân.
Vậy nên, khi bạn xác định được cụ thể từng bối cảnh trong giao tiếp thì sẽ dễ hơn để chúng ta đặt “năng lượng” vừa đủ cho từng trường hợp, không cần phải “gồng” quá nhiều để tương tác với người khác.
Có 3 Bối Cảnh Giao Tiếp Giúp Cho Người Hướng Nội Nổi Bật
#1 Team-time
Team-time là khoảng thời gian mà công việc được ưu tiên cao nhất. Bởi vì đây là khoảng thời gian bạn chỉ dành cho việc tương tác, phối hợp với người khác để cùng nhau đạt được mục tiêu chung trong công việc như thảo luận đội nhóm, báo cáo, thuyết trình,…
Khi bước vào những hoạt động này, dù bạn là người ít nói hay trầm tính thì cũng phải học cách để thể hiện bản thân mình.
Ví dụ, vị giáo sư hiểu rằng việc giảng bài cuốn hút học sinh thông qua kiến thức của mình là một điều cần thiết. Thì dù là người hướng nội ít nói, vị giáo sư vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình bằng cách tương tác, truyền đạt kiến thức của mình một cách sôi nổi để học sinh có thể tiếp thu tốt hơn.
#2 Me-time
Me-time là khoảng thời gian mình có quyền lựa chọn chỉ dành cho bản thân và ngắt kết nối với bên ngoài, sau khi đã hoàn thành xong trách nhiệm ở “team-time”.
Nếu thích, mình có thể giao lưu và hòa đồng với bạn bè, đồng nghiệp xung quanh.
Nếu không thích, mình có quyền lựa chọn dành thời gian một mình cho bản thân mà không có chút băn khoăn.
Bởi vì đây là “me-time” – khi mình đặt giá trị bản thân lên cao nhất.
Ví dụ, khi vị giáo sư đứng lớp hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Sau giờ làm, ông có quyền chọn ở lại để thảo luận thêm cùng với đồng nghiệp hoặc trở về nhà và có cuộc sống của riêng mình.
#3 Growth-time
Nếu Team-time là khoảng thời gian bạn có thể say “Yes” và Me-time thì say “No”
Thì Growth-time sẽ là “Maybe” – nghĩa là khi bạn có quyền nói CÓ hoặc nói KHÔNG.
Ví dụ, sau khi hoàn thành công việc của mình (team-time) thì bạn có thể trở về nhà (me-time). Điều đó hoàn toàn bình thường.
Nhưng đôi khi, bạn muốn ở lại để kết nối với mọi người, hiểu và quan tâm hơn đến xung quanh để xây dựng, phát triển mối quan hệ đó.
Có thể là mình chưa thoải mái với việc kết nối, nhưng đó cũng là một cách để mình mở rộng vòng tròn an toàn để trưởng thành hơn.
Ví dụ, cũng chính người giáo sư đó. Khi ông muốn kết nối để hiểu thêm về đồng nghiệp của mình, cập nhật những kiến thức cần thiết, ông vẫn có thể lựa chọn ở lại để trò chuyện cùng với cộng sự của mình.
3 Rào Cản Khiến Bạn Không Làm Tốt Team-time
Đối với người hướng nội, việc dành thời gian cho “me-time” không khó. Tuy nhiên, để tương tác “team-time” một cách hiệu quả thì người hướng nội sẽ mất thời gian và cần nhiều nỗ lực hơn. Có 3 tư duy sẽ ngăn cản họ làm tốt “team-time” và thể hiện bản thân mình:
Niềm tin #1 “Nói Nhiều Mệt Lắm!”
Nhiều người thường có niềm tin rằng: “Nói nhiều mệt lắm, nên thôi nói ít lại cho khỏe”
Nhưng vấn đề không phải là bạn nói nhiều hay ít, mà điều quan trọng là lời nói có tới được với người nghe hay không.
Bởi vì khi nói ra mà mình không chắc liệu người khác có hiểu được mình hay không, thì sự hoang mang đó sẽ dần dần làm cho mình kiệt sức.
Sự mất phương hướng này không chỉ ở trong công việc, mà còn là trong mối quan hệ nói chung.
Ví dụ, khi cãi nhau với bạn bè, đồng nghiệp mình không biết phải nói ra như thế nào cho người ta hiểu nên mình chọn nói ít lại.. Nhưng khi bị hiểu lầm thì mình cảm thấy rất là bực mình, mệt mỏi, ấm ức bị tích tụ lại.
Và mình nghĩ: “Mình có nói nhiều đâu, đâu phải là mình nói nửa tiếng đồng hồ đâu mà mệt?”
Đôi khi, nói ít vẫn mệt.
Vậy nên, việc giao tiếp không phải là bạn nói ít hay nói nhiều.
Mà là lời bạn nói có thực sự “trúng” hay không.
Đó là kỹ năng bạn hiểu được người khác, hiểu được mục tiêu trong cuộc trò chuyện đó là gì để tìm cách làm sao giao tiếp một cách ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Niềm tin #2 “Ai hiểu thì hiểu, không hiểu thì thôi.”
Niềm tin này đúng, nhưng chưa đủ.
Đôi khi, trong khoảng thời gian team-time bạn cần phải giao tiếp và giải thích cho người khác để đạt được mục tiêu chung của đội nhóm.
Còn lúc không cần giải thích, thì đó là me-time rồi.
“Hiểu thì không hiểu thì thôi” chỉ được áp dụng cho me-time. Nếu không, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối khi có công việc, chủ đề cần thảo luận và tương tác với người khác.
Còn với team-time, nếu họ không hiểu thì phải tìm cách giải thích cho họ hiểu, tìm cách trau dồi khả năng chia sẻ và kết nối của mình để đạt được mục tiêu chung.
Ví dụ, khi đang nói chuyện vui với bạn bè mà xuất hiện những quan điểm khác biệt, không ảnh hưởng đến mục tiêu chung nào, thì trường hợp này bạn có quyền lựa chọn không “mất sức” để giải thích cho quan điểm riêng của mình.
Nhưng với đồng nghiệp, khi có một công việc mình cần phải trình bày và giải thích cho họ hiểu, thì bằng mọi cách mình cũng phải làm được việc đó.
Niềm tin #3 “Ít nói thì ít họa”
Khi mình chỉ im im tập trung làm việc của mình, mà không giao tiếp với người khác.
Mình suy nghĩ rằng: “Thôi, cứ ít nói thì sẽ gặp ít họa.”
Nhưng có thật là cuộc đời sẽ để yên cho bạn nếu bạn không nói?
Với “me-time”, bạn có quyền lựa chọn không nói để bảo vệ khoảng thời gian một mình của bản thân.
Nhưng với “team-time”, hầu như sự lựa chọn này sẽ mất đi bởi vì khi đó bạn cần phải nói ra để đạt được mục tiêu chung của đội nhóm.
Ví dụ, trong một cuộc họp thảo luận ở công ty nhưng bạn chọn im lặng thì rất dễ để cộng sự của bạn cảm thấy hoang mang.
Vậy nên, hãy chủ động thông báo với đồng nghiệp những điều cần thiết trong công việc thay vì bị động đợi họ hỏi lại vì điều đó rất dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Lời Kết
Tóm lại, 3 tư duy trên đều gây khó khăn cho chúng ta trong thời gian khi mình cần phải phối hợp đội nhóm, cần phải giao tiếp với người khác. Điều giúp bạn vẫn giao tiếp tốt được với người khác, nhưng vẫn có khoảng thời gian dành cho riêng mình đó là phân biệt rõ 3 hoạt động: team-time, me-time và growth-time. Từ đó, hiểu rõ mình đang ở trong tình huống nào để có cách ứng xử phù hợp.