Người hướng nội được ví giống như 1 con nhím, bên ngoài xù lông như muốn xa lánh mọi người, còn bên trong thật ra họ cũng rất dễ thương và không có ý gì cả.
Nhưng với kinh nghiệm của anh, thì bên trong, mình cũng có cái gai góc đó. Và nhiều lúc mình thật sự cố ý thể hiện sự gai góc đó ra bên ngoài. Nhưng mình không dám đối diện và thành thật với nó.
Anh gọi những gai góc đó là góc tối của người hướng nội!
Khi nghe những điều này, anh mong rằng bạn sẽ không xem nó là những điều chỉ trích và cảm thấy bị tổn thương mà coi đây là tấm gương để xem lại bản thân có điều nào để kiểm soát và thay đổi “mặt tối” đó.
Tác giả: Huỳnh Duy Khương.
1. Tiêu cực
Người hướng nội là người tiêu cực và rất dễ để tiếp nhận sự tiêu cực.
Dù trong ngày có nhiều điều tốt đẹp xảy ra đi chăng nữa, nhưng đột nhiên một vài thứ không hay xuất hiện thì họ sẽ bắt đầu suy diễn mọi thứ theo tình huống xấu nhất có thể.
Và tâm trạng đó kéo dài cho đến cuối ngày làm mặt bạn không thể nở lấy một nụ cười.
Nếu nói rằng: “Bớt tiêu cực lại mà hãy lạc quan lên.” thì cũng rất khó làm được, bởi bản chất của người hướng nội là thích đào sâu, phân tích. Cho nên, hãy cứ phân tích sự tiêu cực đó cho tới nơi, tới chốn để nhìn vấn đề rộng hơn, không bị lạc quan thái quá.
Sau đó, hỏi mình: Làm sao để chuẩn bị cho những điều tiêu cực không xảy ra? Đâu là thứ mình có thể tập trung làm tốt hơn?
Dần dần, bạn sẽ chấp nhận, hòa mình và kiểm soát được sự tiêu cực tốt hơn.
2. Thích nói
Mọi người thường nghĩ: “Người hướng nội thích lắng nghe nhiều hơn là nói.”
Nhưng sự thật, suy nghĩ trong đầu của họ là: “Sao mình lắng nghe người khác thì dễ mà để được lắng nghe thì khó tới vậy?”
Người hướng nội có thể ngồi, sẵn sàng lắng nghe người khác dốc bầu tâm sự, an ủi, vỗ về họ. Nhưng những ngày cô đơn, lạc lõng, chạnh lòng lại chẳng có lấy một ai để chia sẻ và không biết nói như nào hết.
Nhu cầu muốn nói, muốn được lắng nghe là cái ai cũng có. Và khi nào bạn vẫn còn khẳng định: “Em thích nghe hơn là nói.” Đó là lúc, bạn vẫn chưa thật sự nhìn thấu khát khao bên trong mình là thích được nói.
Nếu bạn được nói đúng chủ đề, nói đúng thứ mình yêu thích thì bạn có thể duy trì một cuộc nói chuyện hàng giờ liền mà không cảm thấy mệt.
Hướng nội có một nguồn năng lượng rất lớn để nói, chỉ là chưa tìm được cách để chia sẻ ra như nào thôi.
3. Nạn nhân
Người hướng nội hay thích đóng vai nạn nhân.
“Tại bạn này thế này… tại hoàn cảnh đưa đẩy thế kia nên người khác muốn nhờ mình giúp gì cũng không nỡ từ chối.”
Có những thứ rất đơn giản như đi ăn chung với bạn bè mà gặp mấy món mình rất yêu thích và có người hỏi: “Mày có ăn cái này nữa không?”
Bạn lại đáp lại: “À, mày thích thì cứ ăn đi, không sao đâu.”
Trong khi cái mình thật sự muốn nói là: “Cái này tao cũng thích ăn hay mình chia nhau mỗi đứa một nửa đi.”
Và rồi có người không để ý, ăn hết chỗ đó thì bạn lại quay qua tiếc và trách mình sao lúc đó hiền quá, có vậy thôi mà cũng không nói.
Chúng ta sợ rằng khi nói ra điều mình thật sự suy nghĩ sẽ mất lòng người khác. Nhưng không nói cũng đã làm mất lòng người khác rồi.
Bởi vì… lời nói thì để trong bụng, nhưng thái độ thì thể hiện ngoài mặt. Lời nói thì có thể nói dối được, nhưng khuôn mặt bí xị thì có giấu cũng tìm được cách chui ra. Khi bạn nghĩ mình là nạn nhân thì vô tình biến người khác thành kẻ xấu.
Cho nên, khi có thể học cách nói ra mong muốn của mình, bạn tự nhiên sẽ kiểm soát tốt “mặt tối” này.
Nói thì là thứ rất dễ nhưng để ăn nói, giao tiếp một cách khéo léo những nhu cầu bản thân mà vẫn khiến người khác tôn trọng thì là điều không dễ dàng.
4. Gỉa tạo
Đôi khi người hướng nội sẽ cố cười vì nghĩ rằng hành động đó sẽ giúp cho bản thân hoà đồng được với mọi người tốt hơn. Nếu không cười, mọi người sẽ thấy mình kì cục, lúc nào cũng lầm lì một mình, không tham gia, không cười nói.
Và khi đó trong lòng, dù chẳng có gì vui cũng phải ráng cười nói với mọi người, về một chủ đề mà bản thân không hề quan tâm.
Mình cố tham gia với mọi người những buổi tiệc, liên hoan để vui đùa cùng nhau. Nhưng trong lòng ở thời điểm đó, sau cả ngày dài đi làm, học tập mệt mỏi, mình chỉ muốn về nhà, bật một bản nhạc, nghỉ ngơi lát…. nhưng rốt cuộc vẫn phải gồng người, cố để đi hòa đồng với mọi người.
Sau một hồi, mình sẽ cảm thấy là: “Sao mình giả tạo quá vậy? Hay là cứ sống thật với con người của mình đi. Mình có đang bị đánh mất đi chính mình hay không?”
Nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn một chút, bạn sẽ nghiệm ra một thứ là: rốt cuộc bạn có biết bản thân mình là ai đâu mà đánh mất.
Bạn đã biết con người thật của mình là gì đâu?
Bạn đã biết cá tính, sở thích, năng lực,… những thứ bản chất rất riêng của mình là gì đâu?
Rốt cuộc cái con người thật của mình là gì?
Mình còn chưa biết nữa! Và nỗi lo đó sẽ càng khiến cho bản thân cực kì mông lung và hoang mang.
Đó là lúc mà mỗi ngày bước ra trong cuộc sống là mỗi ngày mình lại đeo những chiếc mặt nạ khác nhau. Mình cứ mãi loay hoay để tìm nó.
Chỉ khi nào nhận ra chuyện đó, bạn mới có thể bắt đầu tìm cách để thay đổi.
5. Ghét nhóm
Người hướng nội rất ghét làm việc nhóm. Không chỉ vậy, họ còn ghét những lúc phải ra quyết định chung với mọi người.
Bất cứ công việc nào liên quan tới con người, mình sẽ cảm thấy rất ghét với chuyện đó.
Bởi vì người hướng nội thích đề cao sự độc lập và thích làm mọi việc theo ý của mình.
Nhưng vì không biết cách chia sẻ mà chỉ âm thầm làm một mình, nên đa phần sẽ hay bị người khác áp đặt những công việc với làm theo họ. Mặc dù bên trong bản thân vẫn có một khát khao cháy bỏng là được làm theo ý mình.
Và càng lớn lên, mình cố phối hợp công việc với người khác thì mình vẫn có cái cảm giác là mình sẽ không lắng nghe ý kiến của người khác một cách tốt nhất được.
Cho tới khi nào bạn nhận ra ý nghĩa thực sự của việc phối hợp đội nhóm sẽ giúp mình đạt được mục tiêu riêng của bản thân như thế nào? Khi đó, bạn mới thật sự phối hợp với người khác một cách toàn tâm, toàn ý được.
6. Thích dìm
Người hướng nội rất thích dìm hàng chính bản thân mình.
Khi có một thành công nho nhỏ, mình không vui bởi vì mình thấy nó đã là gì so với người khác đâu? Có lẽ là mình chỉ may mắn thôi!
Nhưng khi có một thất bại nho nhỏ, mình rất giỏi để làm lớn chuyện lên.
Chúng ta rất nghiêm khắctrong việc chì chiết bản thân mình khi phạm phải một lỗi sai nào đó, dù có nhỏ đến cỡ nào. Nhưng sự nghiêm khắc đó không phải để trưởng thành hơn, mà mình nghiêm khắc để đánh đập chính bản thân.
Chúng ta rất chậm trong việc ăn mừng chiến thắng, nhưng cực kì nhanh trong việc trừng phạt những thất bại.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng giao tiếp của mình và cần một người có kinh nghiệm dẫn dắt thì tham gia vào buổi Workshop “Bí quyết giao tiếp tự tin, thuyết phục mà không lo bị đánh giá” của anh Khương – Mentor của hơn 2000+ học viên trong cộng đồng PS chính là dành cho bạn.
Đăng ký giữ chỗ tại đây.
Bạn sẽ biết được:
- Lầm Tưởng lớn nhất về giao tiếp khiến bạn luôn gặp áp lực và nỗi sợ bị đánh giá từ người khác.
- 3 Cách giao tiếp để lời nói của mình có trọng lượng trong đội nhóm, được mọi người tôn trọng và lắng nghe.
- Lộ trình rèn luyện để trở thành một người tự tin, bản lĩnh trong giao tiếp mà ai cũng có có thể học và làm được.