Làm sao để có 1 phần mở bài thuyết trình thu hút, có được sự chú ý từ người khác, để họ tập trung nghe toàn bộ bài thuyết trình và được thuyết phục bởi bạn?
Đầu tiên bạn cần biết một thứ, đó là…
Cách mở đầu bài thuyết trình không hiệu quả
Thông thường, mọi người hay mở đầu bài thuyết trình theo kiểu:
“Xin chào mọi người, mình tên là A, mình đến từ nhóm/ phòng ban B. Ngày hôm nay mình xin được trình bày về XYZ, mong mọi người lắng nghe”
Đây là cách mà ai cũng biết và nhàm chán, vì có rất rất nhiều người đã làm giống bạn rồi.
Nhưng nếu không nói giống vậy, thì bạn cũng chẳng bên nên nói như nào cho hay.
Chính vì nhàm chán, nên mỗi khi thuyết trình bạn sẽ hay gặp tình trạng:
- Sau khi nghe giới thiệu xong, nếu không thấy có gì ấn tượng khán giả sẽ dần mất tập trung. Xuyên suốt phần sau của bài thuyết trình họ sẽ không còn lắng nghe, và bắt đầu lướt điện thoại, nói chuyện, làm việc riêng. Thành ra nguyên bài thuyết trình trở nên nhạt nhoà trong mắt họ luôn.
- Cho dù họ có lắng nghe vì PHẢI LẮNG NGHE, nhưng phần đầu không có gì đặc biệt hấp dẫn. Thì phần sau họ sẽ bớt hứng thú để tiếp thu những cái mà bạn chia sẻ. Khi đó bạn không chỉ thất bại trong bài thuyết trình hôm đó, mà còn mất luôn cả cảm xúc cả ngày của mình.
Tại sao bạn cần cải thiện phần mở đầu bài thuyết trình ngay hôm nay?
Có 1 khảo sát như thế này:
Vào năm 2000, thời gian tập trung trung bình của một người là 13s. Nếu trong khoảng thời gian đó không có thứ gì mới, người ta sẽ ngó nghiêng thứ khác xung quanh.
Đến năm 2013, nó chỉ rút lại còn 8s . Đến năm 2019, nó còn khoảng 6,5s.
Bạn thử đoán xem, tới thời điểm hiện tại nó còn bao nhiêu giây?
Anh chưa có số liệu chính xác cho chuyện đó, nhưng theo anh thấy nó sẽ còn ngắn hơn nữa.
Dữ liệu trên càng chứng tỏ rằng:
Khả năng tập trung của một người ngày càng rút ngắn đi, sự ưu tiên lắng nghe phần trình bày của bạn ngày càng nhỏ lại.
Cho nên trong 5 – 6s đầu tiên, nếu bạn muốn người nghe sẽ ở lại và nghe hết bài thuyết trình của mình. Bạn cần biết cách chia sẻ ấn tượng, cuốn hút để khán giả của mình nghe hết câu này đến câu khác trong phần trình bày của bạn.
Làm sao để làm được chuyện đó? 5 Bí quyết mở đầu bài thuyết trình thu hút, thuyết phục người nghe của anh ở bên dưới sẽ là công cụ đắc lực dành cho bạn.
5 Bí quyết mở đầu bài thuyết trình thu hút, thuyết phục người nghe
1. ĐẶT CÂU HỎI.
Mới bước vào buổi thuyết trình, thay vì nói luyên thuyên bạn hãy đặt câu hỏi.
Câu hỏi ở đây có thể theo kiểu Yes/ No question hoặc 1 câu hỏi mở (cho trường hợp nâng cao).
Nếu bạn chọn đặt câu hỏi Yes/No, bạn nhớ hỏi làm sao để người nghe họ trả lời yes nhiều hơn. Vì nếu khi họ trả lời No, họ sẽ không làm gì hết và cả khán phòng sẽ ngồi im lặng 1 cách đáng sợ.
Còn khi bạn đặt câu hỏi để họ trả lời Yes, họ sẽ rất dễ đồng tình với những nội dung bạn chia sẻ tiếp theo sau đó.
Anh sẽ ví dụ vài cách hỏi để bạn hình dung rõ hơn nhé!
Ví dụ: Trong buổi chia sẻ về chủ đề đọc sách, bạn có thể đặt câu hỏi mở như vầy:
- Ở đây có bao nhiêu bạn thích đọc sách?
- Ở đây ai đã từng có 1 cuốn sách thay đổi cuộc đời của mình luôn không?
- Cho mình hỏi, ở đây ai đã từng đọc sách self-help/ tiểu thuyết/ truyện abc cho mình xin cánh tay?
- Hoặc Ai CHƯA TỪNG đọc sách tiểu sử/ triết học của… thì cho mình xin cánh tay?
Mình cũng vậy! Đồng ý với quan điểm hoặc tình huống bạn đưa ra trong câu hỏi.
Nếu đây là những câu hỏi đơn giản bạn đã làm được nó rồi, thì có thể hỏi thêm 1 vài câu nâng cao theo dạng câu hỏi mở như này:
- Bạn nào có thể kể tên 1 cuốn sách mà mình yêu thích nhất không?
- Tác giả nào là tác giả yêu thích nhất của các bạn?
Sau đó cho mọi người lần lượt trả lời.
Lưu ý: Trong phần mở đầu khi tương tác với khán giả/ người nghe, bạn đừng để họ cảm thấy ngại ngùng khi trả lời những câu hỏi của bạn.
Lúc họ giơ tay có ý muốn trả lời, bạn có thể chủ động mang micro đến tận nơi đưa họ nói. Thậm chí khi khán giả trả lời, bạn cứ để họ ngồi đó mà trả lời câu hỏi thay vì bắt họ đứng dậy. Như vậy, không chỉ cái người đang tương tác với bạn, mà khán giả trong cả hội trường sẽ cảm thấy thoải mái và tương tác với bạn nhiệt tình hơn.
2. MỞ ĐẦU BẰNG MỘT CÂU CHUYỆN.
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn gọn, nhưng có cái kết lại mở ra một chủ đề lớn khác có liên quan đến bài thuyết trình của bạn.
Vì câu chuyện được thiết kế có cốt truyện, cảm xúc, có những tình tiết hấp dẫn khiến người nghe khi nghe khúc đầu rồi sẽ muốn tiếp tục nghe khúc sau, khúc sau nữa.
Anh đã từng áp dụng cách này rất nhiều lần không chỉ trong bài thuyết trình, mà trong cả những video trên Youtube của anh. Ví dụ: từ câu chuyện thí nghiệm tâm lý của giáo sư Asch, anh đã liên hệ qua chủ đề Peer Pressure – chủ đề anh chia sẻ trong video ngày hôm đó.
Cho nên, đây là một cách rất thú vị để mở đầu một bài thuyết trình.
Tuy nhiên, nếu một câu chuyện bạn kể ra mà không ai nghe. Lúc này, câu chuyện đó thay vì đóng vai trò mở bài, nó sẽ trở thành phần “kết bài thuyết trình” ngay tức khắc.
Nên nếu bạn thấy đây là cách thu hút khán giả hiệu quả, nhưng hiện tại chưa có khả năng. Thì có thể nhấn vào đây để tham gia một buổi webinar chuyên sâu về nghệ thuật giao tiếp – chia sẻ tự tin và thu hút của anh.
3. SỬ DỤNG TRÍCH DẪN TỪ NGƯỜI NỔI TIẾNG.
Những người nổi tiếng sẽ thường dùng những câu hay ho, giật gân hoặc kết luận của 1 người giỏi giang sẽ dễ gây ấn tượng với người nghe. Bạn có thể tham khảo cách mở đầu bằng việc sử dụng một câu nói giật gân ngay bên dưới video này.
Video: Cách để kỉ luật bản thân
Trong video này anh dùng câu nói của một người mentor chạm tới anh, và anh dùng luôn câu đó để kéo các bạn ở lại trong 10s – 30s đầu.
4. SỬ DỤNG CON SỐ, HÌNH ẢNH, BẢN BIỂU CÓ TÍNH GIẬT GÂN.
Với cách này, bạn có thể sử dụng những con số, hình ảnh, bảng biểu có kết quả giật gân, ấn tượng và có liên quan đến chủ đề mình nói.
VD: Có một lần anh tham gia vào buổi nghe phần thuyết trình của bộ phận kế toán – tài chính.
Thay vì mở đầu theo cách thông thường, bạn đó bật lên một slide với một cái bảng doanh số mà trong đó có 1 con số được nhấn mạnh rất rõ.
Sau đó đặt 1 câu hỏi: “Mọi người có để ý trên slide này có gì đặc biệt không?”
Tất cả mọi người trong buổi hôm đó tập trung hết vào slide và nhận ra:
“Ồ, tháng vừa rồi công ty mình bị mất 50tr ở phần này luôn hả?”
Bạn đó tiếp tục:
“Đúng, tháng vừa rồi ngoài việc vượt doanh số, có nhiều chi phí hợp lý. Nhưng có một lỗ hổng chi phí mà chúng ta đã bỏ qua, sau khi bộ phận kế toán cộng lại thì thấy con số đó lên tới 50tr.
Và tại sao nó lại như vậy? Và có giải pháp gì để cải thiện để không còn lỗ hổng này nữa không? Vấn đề này mình xin được chia sẻ kỹ hơn ở phần tiếp theo.“
Cả phòng lúc này hoàn toàn tập trung vào phần chia sẻ của bạn đó, vì cách bạn đó dẫn dắt đang rất liên quan đến những gì mọi người quan tâm.
Và đây cũng là cách chúng ta sử dụng con số để bắt đầu phần thuyết trình của mình sao cho thu hút.
5. MỞ BÀI NGƯỢC
Với cách mở bài ngược, bạn có thể bắt đầu như thế này:
“Ngày hôm nay bạn đến đây với mong đợi được nghe anh nói về vấn đề A đúng không? Nhưng thật ra cái mà anh chia sẻ hôm nay lại là vấn đề B.”
Khi mình nói: “Các bạn nghĩ anh sẽ chia sẻ về vấn đề A đúng không?”
Lúc đó mọi người sẽ soi rọi lại để xem đúng vấn đề đó không. Vì họ sẽ rất tò mò muốn biết mình làm sai cái nào hoặc đúng cái nào.
Ví dụ: Trong 1 video chia sẻ về kỹ năng giao tiếp, anh có thể mở đầu bằng cách nói như thế này:
“Lúc đầu khi bạn biết anh có tổng hợp các mẹo làm sao để mở bài thu hút. Bạn đã rất mong đợi được nghe nhiều mẹo nhỏ giúp bạn có được sự chú ý đúng không?
Nhưng thật ra, cái anh chia sẻ với các bạn là gì?…
Đúng là anh sẽ có những mẹo giống vậy. Nhưng không dừng lại ở đó, anh muốn chia sẻ sâu hơn, để bạn hiểu rõ lý do tại sao phần mở bài quan trọng đến như vậy? Tại sao việc gây sự chú ý lại phải bỏ ra nhiều nỗ lực không thua kém phần xây dựng phần nội dụng chính bài thuyết trình?
Thì đó là cái anh muốn bạn thực sự hiểu trong nội dung hôm nay.”
Đây là cách cuối cùng trong số 5 cách thu hút sự tập trung của khán giả để họ để tâm đến bài thuyết trình.
Hãy áp dụng và cho anh biết đâu là cách mở đầu bài thuyết trình hiệu quả với bạn nhất bên dưới comment nhé.
Lời kết.
Ngoài kỹ năng xây dựng phần nội dung mở đầu bài thuyết trình, bạn có thể xem xem thêm cách xây dựng sự tự tin trước khi bước lên sân khấu của của anh thông qua video dưới đây nhé!