Đâu là những cách bắt chuyện với người lạ hiệu quả nhất? Đây là băn khoăn anh nhận được từ rất nhiều bạn gửi về trên kênh của mình.
Thời điểm dịch bệnh hiện nay, khi sự kết nối giữa người với người bị hạn chế, việc bắt chuyện trở nên khó nhằn hơn rất nhiều.
Và vấn đề là không chỉ bắt chuyện cho xong. Lo lắng lớn nhất của hầu hết mọi người đó là: “Bắt chuyện xong rồi nói gì tiếp đây?”
- Bắt chuyện như thế nào cho hiệu quả?
- Làm sao sau khi bắt chuyện xong vẫn có thể duy trì và tiếp tục cuộc hội thoại?
Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ cho bạn cách bắt chuyện với người lạ tự nhiên và có thể nói hoài vẫn không hết chuyện.
Nguyên tắc khi bắt chuyện với người lạ
Sai lầm của hầu hết mọi người khi bắt chuyện đó là họ chỉ tập trung vào MÌNH.
- “MÌNH không biết nói gì?”
- “Lỡ người ta nói MÌNH nhạt thì sao?”
- “MÌNH cứ thấy kì kì, không tự nhiên.”
- “…”
Nếu chỉ tập trung vào MÌNH, đó là lúc bản thân phải chịu rất nhiều áp lực. Hãy gạt hết những băn khoăn đó ra và hỏi cho mình 1 câu: “Làm sao để có thể mình MANG LẠI GIÁ TRỊ cho họ?”
Đó là điều cơ bản đầu tiên để một mối quan hệ được hình thành.
Cách bắt chuyện với người lạ qua việc đặt câu hỏi
Làm sao biết họ đang cần gì để mang lại giá trị khi nói chuyện với người lạ? – Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi.
Hỏi để hiểu thêm về nhu cầu, sở thích, thông tin,… của người đó. Khi nghe và hiểu, bạn sẽ họ cần gì để mang lại giá trị.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường đặt câu hỏi không hiệu quả và đẩy cuộc trò chuyện rơi vào ngõ cụt. Có 2 loại câu hỏi:
1. Câu hỏi ĐÓNG
Câu hỏi ĐÓNG là gì?
- “Bạn tên gì?”
- “Bạn học ở đâu?”
- “Bạn bao nhiêu tuổi?”
- (…)
Đó là khi bạn hỏi xong, người đối diện chỉ cần trả lời một thông tin là đủ.
Khi trả lời xong, đa phần cảnh tiếp theo chính là hai “người lạ” tiếp tục nhìn nhau mà không biết nói gì. Bạn phải tiếp tục đặt ra những câu hỏi mới nên đôi khi, đối phương sẽ có cảm giác bạn đang tra khảo họ.
Câu hỏi ĐÓNG không có khả năng để tiếp nối cuộc trò chuyện và thường đây là kiểu câu hỏi không hiệu quả.
2. Câu hỏi MỞ
Sự khác biệt giữa một câu hỏi ĐÓNG và câu hỏi MỞ chính là: khi đặt ra câu hỏi MỞ, người nói phải trả lời cho bạn một câu chuyện.
Ai cũng thích được chia sẻ về câu chuyện của mình. Khi lắng nghe, bạn sẽ có thêm thông tin để biết họ muốn gì và dễ dàng mở ra những chủ đề đằng sau để cả hai cùng nói chuyện với nhau.
Lúc đó, buổi gặp mặt sẽ diễn ra gần gũi và tự nhiên hơn rất nhiều. Nên, hãy học cách để sử dụng những câu hỏi MỞ.
5 câu hỏi mẫu dùng để bắt chuyện với người lạ
Lấy bối cảnh bạn đang tham dự vào một sự kiện, hội thảo. Đây là 5 câu hỏi bạn có thể sử dụng.
1. Bạn hay thích làm gì nếu bạn không làm…?
Họ sẽ có một công việc của mình nếu là người đi làm. Hoặc, họ sẽ có một chuyên ngành của mình nếu đang đi học.
Ví dụ như ban đầu nhờ những câu hỏi đóng bạn biết được người này là một Designer, thì sau đó có thể hỏi thêm: “Nếu không làm thiết kế thì trong lúc rảnh, bạn hay thích làm cái gì?”
Khi đó, họ có thể chia sẻ cho bạn một sở thích. Sở thích là cái rất dễ để nói và họ sẽ chia sẻ cho bạn những câu chuyện xoay quanh nó. Bạn có thể hỏi sâu hơn vào đó để kéo dài cuộc trò chuyện của mình
2. Tại sao bạn lại chọn học chuyên ngành này?
Câu hỏi “Tại sao…?” là câu hỏi mà họ sẽ không thể nào chỉ đưa ra một thông tin được. Họ sẽ thường cho bạn biết một câu chuyện về nó. Bạn có thể lắng nghe và những chỗ nào mình tò mò, hứng thú thì có thể hỏi kĩ hơn nữa để hiểu.
Hoặc, nếu câu trả lời của họ là: “Ngày xưa gia đình bắt mình học nên mình học thôi.”
Thì bạn có thể thêm vào một câu hỏi giả định phía sau như: “Nếu được chọn lại và được tự do chọn, thì bạn nghĩ là mình sẽ thích chọn cái gì?”
Khi đó, họ sẽ kể cho bạn nghe những mong muốn thực sự, những câu chuyện mà họ nghĩ sẽ mang lại quyết định đúng hơn cho mình.
3. Điều gì khiến bạn muốn tham gia sự kiện này?
Lại một câu hỏi “Why…?” và họ sẽ tiếp tục kể bạn nghe một câu chuyện phía sau nó. Và nó có thể áp dụng cho nhiều trường hợp như:
- “Tại sao bạn lại muốn tham gia Mùa hè Xanh?”
- “Mình muốn phát triển bản thân của mình tốt hơn.”
- “Ủa vậy hả? Bạn muốn phát triển gì thêm ở bản thân của mình?”
- (…)
Sẽ có rất nhiều điều cho bạn hỏi để hiểu về người khác.
4. Bạn mong đợi gặp được những người như thế nào ở đây?
Bạn sẽ hiểu hơn về nhóm đối tượng mà họ đang tiếp cận. Và quay trở lại có thể suy nghĩ đâu là những mối quan hệ mà mình có thể giúp ích được cho họ? Khi đó là lúc mà bạn có thể mang lại giá trị của mình cho người khác.
5. Dự án quan trọng nhất bạn đang làm hiện nay là gì?
Đây là một câu rất tuyệt vời dùng để hỏi. Đặc biệt là trong trường hợp bạn có một sự tin tưởng nhất định với người đó rồi. Họ có thể chia sẻ ra cho bạn những dự án họ đang làm bên công ty, những đồ án đang thực thi ở trường,..
Thì sau đó, bạn có thể hiểu họ sâu để biết đâu là giá trị bạn có thể đem lại cho họ.
Lời kết
Đây là những nguyên tắc cơ bản sẽ giúp bạn có thể bắt chuyện với người lạ một cách tự nhiên và thoải mái nhất. Không nhất thiết phải nắm nhiều kỹ thuật mới có thể bắt chuyện với người lạ được, quan trọng là bạn hãy bắt tay vào thực hành nó.
Xem, ngẫm và đừng quên áp dụng vào cuộc sống của mình nhé!
Kỹ năng bắt chuyện với người lạ một kỹ năng rất quan trọng trong nhóm kỹ năng giao tiếp cơ bản. Nếu bạn muốn tìm cho mình một môi trường để rèn luyện kỹ năng giao tiếp hiệu quả, thì có thể tham khảo về Workshop Public Speaking của anh tại đây nhé.